Khi tháp hướng dẫn thực phẩm chỉ ra tầm quan trọng của ngũ cốc nguyên hạt (whole grain), nhiều bao bì của các hãng ngũ cốc, bánh quy, bánh mì,… đều xuất hiện dòng chữ whole grain. Hay tác hại từ chất béo chuyển hóa (trans fat) được phổ biến trên các kênh truyền thông đã tạo nên dòng chữ mới no trans fat nhan nhản khắp các bao bì thực phẩm. Chưa kể đến những “trào lưu” một thời với thực phẩm low-carb, fat-free, organic, tốt cho tim mạch,… đều được các nhà sản xuất “đưa” lên bao bì nhằm gia tăng sự chú ý và hướng suy nghĩ của khách mua về một sản phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe.
Theo luật, những nhãn mác thực phẩm phải được ghi một cách chính xác. Nhưng các nhà sản xuất chỉ chọn và đưa lên bao bì những thành phần chính yếu và đặc biệt. Là một người mua, bạn cảm thấy phân vân trước hàng loạt những dòng chữ khó hiểu và không chỉ riêng bạn, có gần 59% khách tiêu dùng cảm thấy khó khăn để hiểu các nhãn mác dinh dưỡng – theo khảo sát của Nielsen. Dưới đây là những dòng chữ phổ biến trên các bao bì sản phẩm mà bạn thường gặp tại các cửa hàng hay siêu thị và những ý nghĩa thực sự đối với sức khỏe của bạn.
Natural thoạt đầu sẽ mang đến cho người mua một sự tin tưởng vô hình rằng sản phẩm được chế biến theo quy trình tự nhiên và hoàn toàn lành manh. Tuy nhiên, bạn hãy hiểu rằng, nó không bao gồm sự đảm bảo về thành phần dinh dưỡng, nguyên liệu, an toàn thực phẩm hay những ảnh hưởng về sức khỏe. Ví dụ như nhãn hàng snack khoai tây với dòng chữ natural potato sử dụng khoai tây tự nhiên thay cho bột khoai tây đã qua sơ chế. Nhưng so với các hãng snack khác, nó vẫn giữ một hàm lượng chất béo tương đương với mức dinh dưỡng thấp. Hoặc natural candy (kẹo tự nhiên) sử dụng thành phần tự nhiên từ đường mía cũng có thể ngọt hơn so với các hãng kẹo sử dụng đường trắng thông thường.
Whole grain (ngũ cốc nguyên hạt) hay Multigrain (nhiều loại hạt) là những dòng chữ bạn thường thấy khi tìm mua những sản phẩm bánh quy hay ngũ cốc và gần như bất kì ai trong chúng ta cũng đều bị ấn tượng, mua ngay những sản phẩm “nguyên hạt” hoặc “100% lúa mì nguyên chất”. Whole grain – ngũ cốc nguyên hạt là các loại ngủ cốc xay bỏ lớp trấu bên ngoài và giữ lại toàn bộ bên trong hạt. Vì vậy ngũ công nguyên hạt được đánh giá giàu chất xơ và nhiều giá trị dinh dưỡng hơn các loại ngũ cốc đã qua sơ chế như gạo trắng, lúa mì trắng, bột mì trắng… Multigrain thường được người mua hiểu nhầm về ý nghĩa “đa hạt” của mình. Những loại sản phẩm multigrian có thể chứa rất nhiều loại hạt ngũ cốc khác nhau đã qua tinh chế và không còn giữ được nguyên hạt nữa.
Dòng chữ fat free (không chất béo) trên bao bìa cũng là một hình thức cám dỗ với người mua khi tin rằng thực phẩm fat free lành mạnh hơn. Khi người dùng bắt đầu nhận thức rõ các tác hại của chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo chuyển hóa (trans fat), những sản phẩm giơ cao khẩu hiệu “không có chất béo” (fat free) ồ ạt tung ra thị trường. Vấn đề chính là những sản phẩm này đôi khi lại không quá lành mạnh như bạn tưởng. Một hãng thịt “tự hào” ghi trên nhãn bìa rằng sản phẩm của họ 95% fat free. Thoạt nghe có vẻ là sự lựa chọn lành mạnh khi chỉ có 5% chất béo trong thực phẩm tuy nhiên sự thật rằng, chất béo vốn chứa rất nhiều calo, đôi khi nó chứa gần như số calo có trong một sản phẩm full fat. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian đọc kĩ lượng calo và so sánh nó với một sản phẩm full fat bình thường.
Sugar free, no sugar added hay low sugar với ý chỉ không đường hoặc chỉ có một lượng đường thấp trong sản phẩm. Với những người thường quan tâm đến lượng calo, lượng tinh bột nạp vào cơ thể (do căn bệnh tiểu đường hoặc bạn cố tránh xa chất ngọt gây bệnh ấy), bạn thường có xu hướng chọn những thực phẩm đề nhãn dán sugar free hoặc no sugar added. Có một điều chúng ta quên rằng, gần như các thực phẩm ta ăn hàng ngày ít nhiều đều có một lượng đường nhất định từ trái cây, sữa, ngũ cốc đến rau củ. Dù sản phẩm không có đường đi chăng nữa thì về cơ bản nó đã có sẵn một lượng đường tự nhiên. Và với các sản phẩm sugar free hoặc no sugar added thường sẽ có sự hiện diện của nhiều chất bổ sung hoặc làm ngọt nhân tạo mà cơ thể không thể nhận biết và chuyển hóa được đồng thời gây ra các vấn đề về tiêu hóa.
Free range được hiểu là nuôi thả và những nhãn mác “gà thả vườn” đã không con xa lạ đối với những người nội trợ. Tuy nhiên không phải “gà thả vườn” nào cũng thật sự được nuôi thả tại các khu trang trại. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (US Department of Agriculture) từng định nghĩa cụm từ free range cho thực phẩm nhưng lại không có bất cứ yêu cầu chính xác nào về số lượng, thời gian hay chất lượng của việc nuôi thả ngoài trời. Chuyên gia dinh dưỡng đồng thời là tác giả của quyển Read it, before you ear it – Taub-Dix đã nói rằng “Những gì chúng ta nghĩ về những chú gà đang chạy trên nông trường thật chất chỉ mang hàm nghĩa “tiếp xúc ngoài trời” mà thôi”.
Gluten là một protein có trong các loại ngũ cốc như lúa mì hoặc lúa mạch đen và nó là “chất tử thần” đối với những người mang căn bệnh celiac hoặc không dung nạp gluten. Với người bệnh celiac, gluten sẽ khiến hệ miễn dịch tấn công ruột non, ngăn chặn sự hấp thụ dinh dưỡng. Đồng thời, một lượng nhỏ gluten cũng khiến người dị ứng lập tức bùng phát các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, dị ứng da, chuột rút và trầm cảm… Các sản phẩm gluten free đã trở thành “thiên đường” cho những cơ thể không hấp thụ được gluten. Đối với những người khác, thực phẩm gluten free không mang đến quá nhiều lợi ích nếu không kể đến ngũ cốc nguyên hạt không gluten vốn ít chất xơ hơn loại thông thường. Trừ khi bạn có vấn đề về chuyển hóa, các sản phẩm gluten free không thật sự quá tốt cho cơ thể hay có thể làm bạn giảm bớt ki-lo-gram nào.
Nhiều người mắc sai lầm trước sản phẩm cholesterol free hoặc no cholesterol mang hàm nghĩa “không chất béo”. Cholesterol được tạo ra từ gan vì vậy chỉ các sản phẩm từ động vật như thịt, sữa, trứng và bơ mới chứa thành phần cholesterol. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như bơ thực vật, trái bơ, dầu oliv,… vốn không chứa cholesterol nhưng vẫn chứa hàm lượng lớn chất béo. Vì vậy “lời tuyên bố” cholesterol free hay low cholesterol trên các bao bìa chỉ mang mục đích tạo ảo tưởng về lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (The American Heart Association) khuyên mọi người nên nạp vào người ít hơn 300mg cholesterol mỗi ngày.
Organic – hữu cơ là những sản phẩm được chế biến từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, nói không với hương liệu, phẩm màu, chất hóa học, hormone tăng trưởng hoặc các nguyên liệu biến đổi gen. Một nhãn hiệu ghi dòng chữ nguyên liệu organic thì tối thiểu 70% các thành phần đều đạt chuẩn. Sản phẩm hữu cơ bổ sung cho cơ thể nhiều dưỡng chất hơn so với sản phẩm thông thường. Như sữa hữu cơ chứa nhiều omega 3, omega 6 và axit linoleic liên hợp giúp nâng cao hệ miễn dịch và chống ung thư. Tuy nhiên, người tiêu dùng đừng vội bị che mắt bởi dòng chữ organic mà hãy quan tâm đến các thành phần khác như lượng calo, chất béo,… vì sản phẩm organic vẫn có thể chứa nhiều đường, chất béo và calo không thua gì các sản phẩm khác.
Light – nhẹ, nhạt được dùng nhiều trên các nhãn dán sản phẩm. Tuy nhiên, light không mang ý nghĩa ít chất béo hay ít calo mà thường chỉ cấu trúc xốp hoặc hương vị. Chẳng hạn như dầu oliv được tuyên bố với dòng chữ light olive ý chỉ có hương vị nhẹ, dễ chịu nhưng lượng chất béo vẫn như các loại dầu oliv thông thường.
ác chuyên gia dinh dưỡng nói rằng “tươi” (fresh) không mang hàm ý như bạn vẫn thường nghĩ. Dù Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu “thực phẩm tươi” phải ở trạng thái tươi sống và không bị đông lạnh hoặc trải qua các khâu xử lý nhiệt cũng như dùng chất bảo quản nhưng đôi khi nó vẫn thông qua các quá trình mà bạn không được biết đến như: tẩy rửa, thuốc trừ sâu sau thu hoạch hoặc xạ chiếu thực phẩm,… Nếu bạn muốn chọn thực phẩm tươi thật sự, bạn nên tìm đến những sản phẩm không qua đóng gói hoặc chế biến. Nguồn : ELLA
Địa chỉ văn phòng đại diện: A6/2N ấp 1, Xã Tân Kiên, Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0901 375 079 (Mr.Tùng)
0762 928 520 (Ms.Huỳnh) - (028) 3620 0545
Website: https://baobiphatthanh.com